Hơn nửa thế kỉ chuyên nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi đã viết nhiều chuyên luận, giáo trình về nhiều lĩnh vực khác nhau: Dẫn luận ngôn ngữ học, Từ vựng học, Ngữ nghĩa học, Ngữ dụng học, Những lĩnh vực ứng dụng của Việt ngữ học, Lược sử Việt ngữ học, Phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ học, Phương pháp luận ngôn ngữ học, Văn tự học, … Những chuyên luận và giáo trình đó đã phục vụ tốt cho việc đào tạo bậc đại học và sau đại học ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu trong cả nước. Nhìn lại toàn bộ chặng đường đã qua, tôi muốn đúc kết lại bằng một công trình mang tên Ngôn ngữ học lí thuyết.
Ngôn ngữ học lí thuyết là một cuốn sách giáo khoa về lí thuyết ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học lí thuyết cần được xây dựng trên tư liệu của tất cả mọi ngôn ngữ, ngôn ngữ phương Đông cũng như ngôn ngữ phương Tây. Các lí thuyết đại cương về ngôn ngữ cần phải phát triển dựa trên tư liệu của các ngôn ngữ khác nhau. Ngôn ngữ học lí thuyết có khuynh hướng hoàn thiện một lí thuyết đại cương về các ngôn ngữ khác nhau trên thế giới và về ngôn ngữ nói chung với tư cách là một thuộc tính phổ quát của loài người.
Mục đích của cuốn sách này là giúp người đọc cảm nhận và hiểu biết những luận điểm chủ yếu, cần thiết đối với ngôn ngữ học, cũng như một số nguyên lí cơ bản mà toàn bộ cấu trúc của ngôn ngữ học phải dựa vào đó.
Cuốn sách trình bày các thành tựu chung của ngôn ngữ học hiện đại, những kết quả tìm tòi và nghiên cứu của nhiều nhà ngôn ngữ học và toàn thể các trường phái ngôn ngữ học của các nước.
Đây cũng là kết quả mà tác giả có được sau nhiều năm học tập, nghiên cứu, tiếp thu những tri thức từ nhiều truyền thống ngôn ngữ học khác nhau: truyền thống ngôn ngữ học Nga - Xô viết, truyền thống ngôn ngữ học Pháp, truyền thống ngôn ngữ học Anh - Mĩ, truyền thống ngôn ngữ học Trung Hoa và truyền thống ngôn ngữ học Việt Nam. Những kết quả nghiên cứu đã được công bố gần đây của tác giả cũng được phản ánh trong công trình này.
Cuốn sách này kế thừa quan điểm coi hệ thống ngôn ngữ như là một bộ mã, còn văn bản là một bản thông điệp. Tuy nhiên, nó dành sự chú ý đặc biệt đến bản chất nền tảng của ngôn ngữ, nhấn mạnh ngôn ngữ là một đối tượng mang tính văn hóa - lịch sử, có chức năng phát hiện và lưu giữ các thành tựu văn hóa, có chức năng giáo dục và thống nhất tất cả các hình thức văn hóa vật chất và tinh thần.
Tác giả đã cố gắng hệ thống hóa các tri thức ngôn ngữ học sao cho người đọc có thể tiếp cận với những tinh hoa của ngôn ngữ học thế giới và trong nước một cách dễ dàng nhất.
Dù đề cập tới nhiều khái niệm mới của ngôn ngữ học, nhưng chúng tôi chủ trương viết ngắn gọn, cơ bản và hiện đại. Phải ngắn gọn, vì sinh viên hiện nay phải đọc nhiều thứ và có nhiều thứ để đọc. Phải cơ bản, vì muốn lên cao thì chân đế phải vững, tránh tình trạng có thể nói những điều vu khoát, mênh mông nhưng những điều cơ bản lại mơ hồ, đại khái. Phải hiện đại, vì nếu không thế thì làm sao mà hòa nhập với cộng đồng quốc tế.
Ưu tiên hàng đầu của công trình là làm sáng tỏ các khái niệm lí thuyết, vì thế chúng tôi không bỏ công tìm các dẫn chứng mới mà sẵn sàng dùng lại các ví dụ đã dùng, thậm chí mượn dùng các ví dụ của những người đi trước miễn là chúng giúp chứng minh những khái niệm cần thiết.
Trong công trình này, chúng tôi đặc biết chú trọng đến Ngữ nghĩa học, Ngữ dụng học và Ngôn ngữ học ứng dụng, những khái niệm quan trọng của văn tự học cũng được giới thiệu để giúp cho việc nghiên cứu các loại hình chữ viết ở Việt Nam hiện nay.
Về mặt thuật ngữ, sau khi xuất bản Từ điển khái niệm ngôn ngữ học, chúng tôi đã chỉnh sửa một số thuật ngữ cho chính xác và sáng rõ hơn. Chẳng hạn, dùng thuật ngữ ngữ ngôn để chỉ langue và ngôn ngữ để chỉ language; dùng thuật ngữ nghĩa để chỉ meaning, ý để chỉ sense, dùng ý nghĩa để chỉ signification, dùng thuật ngữ tính song trùng thay cho thuật ngữ song tính, dùng thuật ngữ tính đa sản thay cho thuật ngữ sức sinh sản, dùng thuật ngữ tính hỗ hoán thay cho thuật ngữ khả năng thay thế nhau, v.v...
Hệ thống những khái niệm và thủ pháp nghiên cứu được trình bày trong sách này là những khái niệm và thủ pháp nghiên cứu đã được ngôn ngữ học thế giới công nhận. Chúng tôi tin rằng các sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành Ngôn ngữ học nếu nắm vững và biết vận dụng hệ thống này vào những nghiên cứu cụ thể của mình thì sẽ thu được những kết quả không nhỏ..
NXB Đại học quốc gia